Với những ngày nồm ẩm, mưa nhiều thì việc đồ đạc trong nhà bị ẩm mốc rất khó tránh. Đặc biệt tủ quần áo là nơi dễ bị ẩm mốc, khiến đồ dùng, quần áo trong tủ có mùi hôi. Vậy làm thế nào để chống mốc tủ quần áo?
Nguyên nhân khiến tủ quần áo bị mốc
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây mốc tủ quần áo, phải kể đến như:
- Kê tủ quá sát tường, dễ bị ẩm do nước mưa, khả năng thoát hơi kém, gây bí, tạo điều kiện thuận lợi để nấm mốc hình thành.
- Chất liệu tủ kém chất lượng; bị xuống cấp do sử dụng lâu khiến nấm mốc dễ dàng xâm nhập và làm hỏng tủ.
- Độ ẩm không khí cao, đặc biệt là khi mùa mưa đến. Tủ quần áo ít được lau chùi, vệ sinh cũng tạo điều kiện để nấm mốc phát triển.
- Cất quần áo khi chưa khô hoàn toàn không chỉ gây nên mùi hôi mà còn khiến nấm mốc dễ phát triển. Đặc biệt, không gian trong tủ thường tối và nhỏ hẹp, hơi nước khó thoát ra nên môi trường này rất lý tưởng để nấm mốc sinh sôi.
Cách vệ sinh tủ quần áo bị mốc
Để vệ sinh tủ quần áo gỗ bị mốc bạn cần chuẩn bị các vật dụng gồm: nước; khăn lau; giấy ráp; sơn; vecni; chất tẩy rửa. Các bước thực hiện vệ sinh tủ quần áo bị mốc như sau:
- Dùng khăn lau sạch nấm mốc trên bề mặt tủ gỗ. Tốt nhất bạn nên mang tủ ra nơi thoáng mát để tiến hành vệ sinh. Bởi nếu nấm mốc dính sang các sản phẩm, vật dụng khác thì sẽ khiến nơi đó có nguy cơ bị mốc.
- Dùng dung dịch tẩy rửa để tiến hành khử trùng và làm sạch. Bước này sẽ giúp gỗ sáng lại và diệt được những mầm nấm mốc còn sót bên bề mặt tủ.
- Nếu vẫn còn sót các vết bẩn thì bạn có thể dùng giấy giáp để đánh sạch nó đi. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc trước khi sử dụng vì giấy giáp có thể khiến bề mặt sơn bị mất đi.
- Dùng sơn để sơn lại gỗ cho sạch và đẹp. Bước này sẽ giúp cách biệt độ ẩm của tủ với môi trường bên ngoài.
- Lau sạch lại lần cuối rồi kê lại tủ như ban đầu. Hãy đảm bảo tủ nhà bạn đã hết mùi sơn sau khi sơn lại nhé.
Xem thêm: Cách tẩy keo nến ra khỏi quần áo
3 Mẹo chống mốc tủ quần áo cực hiệu quả và đơn giản
Sử dụng các chất chống mốc tủ quần áo từ thiên nhiên
- Lá trà: bạn có thể đặt lá trà vào túi vải xô hoặc giấy báo để gói lại. Đặt các gói này ở nhiều góc trong tủ quần áo để hút ẩm, khử mùi hiệu quả.
- Bã cà phê: vừa giúp khử mùi, vừa hút ẩm hiệu quả. Bạn chỉ cần lấy bã cà phê đặt vào trong 1 túi vải xô hay tất cũ rồi buộc chặt đầu lại. Như vậy bạn đã hoàn thành 1 túi chống ẩm cực đơn giản.
- Vôi: hãy đặt vào 1 chiếc hộp không đậy nắp và cất trong góc tủ. Khi độ ẩm lớn, vôi sẽ có tác dụng hút ẩm vô cùng hiệu quả.
Dùng giấy báo để chống mốc tủ quần áo
Dùng giấy báo để chống mốc tủ quần áo là một cách vô cùng đơn giản và được áp dụng rất nhiều. Bạn chỉ cần phủ một lớp dưới đáy tủ hay dán báo lên mặt trong tủ là được. Báo sẽ có tác dụng hút ẩm, chống mốc và khử mùi, xua đuổi côn trùng rất tốt.
Chống ẩm mốc bằng than hoạt tính
Các phân tử có trong than hoạt tính sẽ giúp hấp thụ ẩm mốc, diệt vi khuẩn gây bệnh có trong tủ quần áo. Bạn có thể gói than hoạt tính trong 1 tờ báo rồi đặt ở góc tủ; hoặc treo các túi than hoạt tính xen kẽ cùng quần áo. Cách này vừa đơn giản mà vẫn mang lại hiệu quả cao.
Chọn vị trí đặt tủ quần áo để chống mốc hiệu quả
- Đặt tủ quần áo cách tường ít nhất 1cm để tạo sự thông thoáng, tránh bị ẩm mốc từ tường.
- Chọn loại tủ quần áo chân cao, đặt tủ tránh xa nguồn nước hay nơi ẩm ướt.
- Nên mở cửa tủ trong những ngày nắng để không khí được lưu thông tốt hơn; đảm bảo cho tủ luôn khô thoáng, sạch sẽ. Còn nếu trời mưa dầm thì nên đóng chặt tủ lại để tránh khí ẩm từ ngoài tràn vào.
- Nếu không khí ẩm ướt, bạn có thể đốt 1 – 2 ngọn nến thơm. Cách này vừa giúp căn phòng thêm khô ráo lại mang lại hương thơm dễ chịu, giúp tinh thần thoải mái nhất.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng sơn chống ẩm cho tường để ngăn chặn ẩm mốc phát sinh từ tường và lây lan sang các đồ vật khác trong phòng.
Trên đây chúng tôi đã chia sẻ đến bạn các mẹo chống mốc tủ quần áo cực đơn giản và hiệu quả. Hy vọng thông tin trong bài sẽ hữu ích với bạn trong cuộc sống hàng ngày.