Sơn, đặc biệt là các loại sơn chứa gốc dầu thường khó tẩy rửa, bám dai dẳng gây nhiều phiền toái nếu vô tình dính vào áo quần. Chất liệu gốc dầu khiến sơn bám chặt trên áo quần, khó tẩy sạch khiến bạn mất nhiều thời gian mà cũng chưa chắc hiệu quả, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Những cách tẩy sơn trên áo cho nhiều loại sơn khác nhau sẽ giúp bạn giải quyết hiệu quả tình trạng này.
Những điều cần nhớ trước khi tẩy sơn trên áo
Khi bị dính sơn trên áo, bạn cần xử lý ngay lập tức. Những vết sơn càng mới, sơn còn ướt thì càng dễ làm sạch và hạn chế vết ố. Nếu bạn không có đủ những vật liệu xử lý vết sơn ngay lúc đó, nên thấm trong nước, giữ vết sơn ướt lâu nhất có thể.
Trước khi tiến hành xử lý, bạn nên lau thấm khô hết những vết sơn ẩm còn thừa trên áo. Sử dụng một vật mỏng như thìa hay lưỡi phay cùn để cạo hết những vệt sơn thừa. Sau khi cạo hết sơn thừa, bạn tiếp tục lấy giấy hoặc khăn mềm để lau thật sạch những vết sơn. Điều này giúp quá trình xử lý vết sơn diễn ra được nhanh chóng hơn.
Trong trường hợp sơn đã khô lại, bạn có thể dùng lưỡi dao cùn để cạo càng nhiều càng tốt. Khi cạo sơn, bạn nên dùng những vật liệu cùn, dạo nhẹ nhàng từng lớp; tránh để dao làm rách , xước bề mặt vải.
Cách tẩy sơn trên áo với từng loại sơn
Các loại sơn sử dụng phổ biến nhất hiện nay gồm 2 loại: sơn nước (latex hay acrylic) và sơn dầu.
Cách tẩy sơn dầu trên áo
Sơn dầu là một trong những vết bám trên áo quần khó tẩy nhất. Thậm chí nhiều người đã phải bỏ những bộ đồ yêu thích của mình vì chúng. Trước tiên, để loại bỏ vết sơn hiệu quả hơn, bạn cần lấy khăn lau sạch hoặc lấy dụng cụ gạt hết những phần sơn thừa.
Xem thêm: Cách tẩy chữ trên áo vừa nhanh vừa sạch
Thông thường, trên bao bì sơn thường có thể hiện đầy đủ thành phần cấu tạo sơn cũng như hướng dẫn cách làm sạch chúng. Dựa theo những khuyến nghị trên thùng sơn, bạn có thể áp dụng theo giúp loại bỏ vết sơn bám nhanh chóng. Đặt một chiếc khăn hoặc miếng mút dính dầu thông hoặc các hóa chất tẩy sơn chuyên dụng chà xát lên vết sơn. Bạn cứ thế chà xát nhiều lần, xoa nhẹ nhàng trên bề mặt vải đến khi các vết sơn tan dần. Lưu ý, những chất liệu bằng tơ, lụa nhân tạo không được tiếp xúc với dầu thông.
Nếu không thể áp dụng theo các hướng dẫn trên bao bì, bạn có thể sử dụng nước ấm và nước giặt. Hòa nước giặt và nước ấm rồi để áo ngâm trong hỗn hợp qua đêm. Sau khi ngâm, bạn vò nhẹ nhàng vết sơn để chúng bong dần đi rồi giặt áo như bình thường. Vết sơn sau khi ngâm sẽ được làm mềm và dễ dàng trôi đi khi vò giặt áo.
Cách tẩy sơn nước trên áo
Các loại sơn nước phổ biến trên thị trường hiện nay bao gồm sơn latex và sơn acrylic. Việc kiểm tra chính xác loại sơn sẽ giúp bạn xác định được phương thức làm sạch quần áo chính xác hơn. Sơn nước có đặc tính làm sạch dễ hơn, đỡ mất nhiều công sức hơn so với sơn dầu. Để giải quyết vết sơn nước trên áo, bạn có thể ngâm áo trong nước ấm, đặc biệt úp phần áo dính sơn xuống dưới để vết sơn bong ra nhanh chóng hơn.
Sau khi ngâm quần áo trong nước ấm, bạn có thể giặt lại quần áo với xà phòng hoặc nước rửa bát để làm sạch và khử mùi sơn. Nếu vết sơn chưa tẩy hết, bạn có thể dùng khăn mềm hoặc miếng mút để xoa xà phòng lên vết bẩn đến khi vết sơn mất hẳn. Nếu xà phòng vẫn không hiệu quả, bạn có thể nhờ đến cồn sát trùng. Khi sử dụng các loại này, bạn chỉ việc cho một lượng nhỏ lên trực tiếp vết sơn; ngâm chúng khoảng 10 phút và chà lên tục đến khi vết sơn mờ hẳn.
Tham khảo: Cách phơi áo thun không bị giãn bền đẹp như mới
Cách tẩy sơn trên áo bằng các loại hóa chất
Ngoài những phương pháp trên, một cách tẩy sơn trên áo vô cùng nhanh chóng là bạn sử dụng những loại hóa chất tẩy rửa chuyên dụng. Trên thị trường, rất nhiều loại hóa chất được bán sẵn với đủ thành phần. Khi chọn, bạn nên lưu ý chất liệu của áo và thành phần chất tẩy có phù hợp với nhau không. Dùng trực tiếp hóa chất lên vùng dính sơn rồi giặt sạch lại với nước sau đó.
Sơn là một vết bẩn cứng đầu. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tự xử lý chúng với những cách tẩy sơn trên áo đơn giản, hiệu quả. Nhanh nhẹn khi xử lý cùng cẩn thận chọn sản phẩm phù hợp với áo quần sẽ giúp đánh bay những vết sơn bám một cách nhanh chóng nhất.